Phương pháp luyện giọng tiếng Trung hay như người bản địa

Với nhu cầu làm Podcast tiếng Trung, tham gia các cuộc thi diễn thuyết bằng tiếng Trung hay chỉ đơn giản là đam mê học ngoại ngữ, chắc hẳn ai cũng mong muốn mình luyện được chất giọng hay và giống hệt người bản địa, nhưng phương pháp và quá trình làm thế nào để luyện được phát âm chuẩn với tông giọng chuẩn bản xứ thì không phải ai cũng biết. Có rất nhiều phương pháp luyện tập khác nhau, ở bài viết này, Tiếng Trung Khánh Linh xin gửi đến bạn những phương pháp cơ bản nhất để có thể luyện phát âm giống với người bản xứ.
Phương pháp luyện giọng tiếng Trung hay như người bản địa

3 bước để có chất giọng chuẩn như người Trung

Như đã đề cập ở trên, phương pháp để đạt đến trình độ phát âm chuẩn có rất nhiều. Tuy thế, nhìn chung, để có thể phát âm một cách tự nhiên, người học cần tôi luyện trên những phương diện cơ bản sau:

  1. Phát âm chuẩn
  2. Luyện nghe nhiều
  3. Luyện nói nhiều

Sau đây, Tiếng Trung Khánh Linh sẽ phân tích và gợi mở những phương pháp học cho từng phương diện:

1. Phát âm chuẩn

Không chỉ riêng tiếng Trung, để nói được hay bất kì ngôn ngữ nào, điều kiện tiên quyết luôn là phải phát âm chuẩn. Nếu có thể học chuyên ngành tiếng Trung trên đại học hay có điều kiện đi học các khóa tiếng Trung ở những trung tâm, đó sẽ là một lợi thế rất lớn cho bạn. Hãy tận dụng mọi cơ hội có thể để nói và tìm kiếm sự giúp đỡ từ giáo viên, họ sẽ giúp bạn chỉnh phát âm sao cho chuẩn nhất. Trong trường hợp bạn là người tự học qua sách vở hay các tài liệu trên mạng, hãy tìm kiếm những trang chính thống và tìm cho mình những người hướng dẫn có năng lực. Họ có thể giúp đỡ bạn phát âm chính xác ngay từ khi bắt đầu học.

Hệ thống ngữ âm tiếng Trung Quốc có 36 nguyên âm (hay còn gọi là vận mẫu) và  21 phụ âm (hay còn gọi là thanh mẫu). Khi học trên lớp (hoặc tự học theo các video hướng dẫn trên mạng), bạn sẽ được giáo viên của mình hướng dẫn cách đọc đúng. Trong bài viết này, Tiếng Trung Khánh Linh sẽ không phân tích cách đọc từng âm mà chỉ chỉ ra cách để đọc đúng và hay cho từng bộ phận nguyên âm tiếng Trung.

Trước hết, người học cần nắm được chính xác các bộ phận cấu âm khi phát âm tiếng Trung. Nội dung kiến thức này có tác dụng giúp người học dễ dàng nắm bắt trọng tâm để phát âm được chính xác ngay từ những buổi học đầu tiên. Bộ phận cấu âm khi phát âm tiếng Trung Quốc bao gồm:

  • Phổi và khí quản

Phổi là bộ phận gốc của luồng khí thở. Luồng khí thở ra từ phổi là xuất phát điểm của âm thanh và lời nói. Không khí thở ra từ phổi đến thanh quản qua phế quản và khí quản, tác động lên dây thanh quản, hầu, khoang miệng, khoang mũi và các cơ quan thanh âm khác, sau sự điều chỉnh của các cơ quan thanh âm này sẽ tạo ra các âm thanh khác nhau. Do bộ phận phổi và khí quản của mỗi người có khả năng và đặc điểm khác nhau, vì thế khi phát âm tiếng Trung, ta thấy có người phát âm nhẹ nhàng, uyển chuyển, song lại có người phát âm rất rõ ràng, cứng cáp. Có một số quan điểm cho rằng, những người có giọng nói uyển chuyển nhẹ nhàng mới phát âm tiếng Trung được hay, điều này hoàn toàn không đúng. Chỉ cần nắm được phương pháp phát âm chuẩn, âm thanh phát ra chắc chắn sẽ không khác gì người bản địa.

  • Họng và dây thanh

Họng được cấu tạo bởi sụn tuyến giáp, sụn cricoid và hai sụn arytenoid. Ở phía trên, bộ phận này tiếp giáp với khoang họng, ở phía dưới lại tiếp giáp với khí quản. Thanh quản có vị trí nằm ở trước thanh hầu, có nhiệm vụ tạo ra âm thanh giúp con người thở, phát âm và ngăn không cho thức ăn xâm nhập qua. Khoảng trống giữa hai dây thanh được gọi là thanh môn, hoạt động của các cơ ở bộ phận này có thể làm giãn hoặc thắt chặt dây thanh âm, mở hoặc đóng thanh môn. Không khí thở ra từ phổi đi qua thanh môn làm rung các dây thanh để tạo ra âm thanh, và những thay đổi về độ căng của dây thanh có thể tạo ra âm thanh có độ cao và thấp khác nhau. Như vậy, đây cũng là một bộ phận quan trọng để tạo nên âm thanh. Tuy nhiên, để chú trọng việc phát âm chính xác tiếng Trung thì khu cơ quan thứ 3 – khoang miệng, khoang mũi và khoang họng mới là nơi cần được lưu ý nhất.

  • Khoang miệng, khoang mũi và khoang họng

Cấu tạo của khoang miệng trên có thể được chia thành môi trên, răng trên, nướu trên, vòm miệng cứng, ngạc mềm và lợi. Bất kỳ âm thanh nào cũng là sự thống nhất của cao độ, cường độ, thời lượng, âm sắc và cả giọng nói. Tuy nhiên, trong các ngôn ngữ khác nhau, việc sử dụng bốn yếu tố của lời nói không hoàn toàn tương tự. Trong bất kỳ ngôn ngữ nào, âm sắc chắc chắn là yếu tố quan trọng nhất dùng để phân biệt ý nghĩa. Các yếu tố khác đóng những vai trò khác nhau trong việc phân biệt nghĩa trong các ngôn ngữ khác nhau. Ở Hán ngữ, ngoài âm sắc, vai trò của cao độ rất quan trọng, âm sắc chủ yếu cấu tạo nên cao độ, âm sắc có thể phân biệt nghĩa. Cường độ và độ dài cũng đóng một vai trò quan trọng trong ngữ điệu và độ mềm mại của lời nói. Như vậy, việc có những hiểu biết nhất định về hệ thống ngữ âm tiếng Trung đóng một vai trò rất lớn trong quá trình vươn đến trình độ phát âm chuẩn giọng bản xứ của người học ngôn ngữ Trung Quốc.

Với nền tảng trên, người học cần học được cách phát âm chính xác của tiếng Trung Quốc. Một trong những cách hàn lâm nhất, cũng là cách thức bền vững nhất là bắt đầu từ việc phân tích từng đơn vị ngữ âm trong hệ thống ngôn ngữ Trung Quốc, trong đó cơ bản nhất là thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu. Hiện nay, trên các trang truyền thông có rất nhiều nguồn hướng dẫn học tiếng Trung từ bước cơ bản nhất. Tuy nhiên, việc tự học được một ngôn ngữ mới chắc chắn không phải điều dễ dàng. Quá trình học không chỉ yêu cầu người học chăm chỉ, kiên trì, mà để có bước khởi đầu tốt, người học còn được yêu cầu có sự nhạy cảm với ngôn ngữ để có thể nắm bắt được cách phát âm chuẩn ngay từ những buổi học đầu tiên. Nếu không có kĩ năng đó, bạn nên tìm cho mình một người bạn hoặc một người thầy đáng tin để có thể giúp đỡ bản thân trong giai đoạn đầu tiên – thời điểm nhạy cảm nhất – giữ vai trò định hình kĩ năng nói của cả quá trình học và sử dụng tiếng Trung.

Hãy nhớ, học phát âm tiếng Trung tuyệt đối không được sử dụng công thức: “/ü/ =/uy/” hay những công thức tương tự. Hãy cố để nắm bắt cách cấu âm từng âm tố như bài viết đã đề cập ở trên.

2. Luyện nghe nhiều

Phát âm chính xác là bước đệm đầu tiên để có một nền tảng vững chắc, làm bàn đạp cho bạn bay lên. Thế nhưng, chỉ có một chiếc đệm chắc chắn là chưa đủ. Bước “luyện nghe” phải được bắt đầu từ khi bắt đầu học tiếng Trung đến khi nào chúng ta xác định không còn cần đến tiếng Trung nữa, có nghĩa là, chỉ cần một ngày bạn còn dùng tiếng Trung, thì ngày đó bạn vẫn cần luyện nghe. Có lẽ đây là cách nói rõ ràng nhất để nhấn mạnh vai trò của việc luyện nghe trong việc học tiếng Trung. Việc luyện nghe có thể được chia thành 3 giai đoạn lớn:

  • Giai đoạn khởi đầu

Đây là giai đoạn người học mới bắt đầu tiếp xúc với tiếng Trung. Việc luyện nghe hàng ngày, nghe đi nghe lại cách phát âm cơ bản có tác dụng giúp người học dễ dàng tiếp nhận hệ thống phát âm hoàn toàn mới của một ngôn ngữ mới. Ở giai đoạn này, nguồn để nghe của người học thường là từ thầy cô giáo, bạn cùng học và các tệp ghi âm giáo trình được cung cấp. Những nội dung này thường không quá phong phú, nhưng bởi đây là hoạt động bắt buộc để có một khởi đầu tốt, vì thế người học không nên xem nhẹ quá trình này.

  • Giai đoạn tăng tốc

Khi đã có một khởi đầu tốt, bạn sẽ nhanh chóng lao vào giai đoạn tăng tốc. Chúng ta cần nghe tất cả những gì chúng ta có thể nghe với mục đích là luyện phản xạ ngôn ngữ và tích lũy từ vựng. Những tài liệu có thể dùng tới trong giai đoạn này rất phong phú: từ tệp nghe trong sách giáo trình đến phim ảnh, hay thời sự hoặc podcast tiếng Trung… Tài liệu của giai đoạn này vô cùng phong phú, vì thế đừng bó buộc mình trong bất cứ không gian tài liệu hẹp nào bạn nhé!

  • Giai đoạn giữ vững

Sau khi đạt đến một trình độ nhất định, lượng từ vựng của người học đã đủ lớn, quá trình tích lũy từ vựng cũng sẽ giảm bớt tốc độ lại. Đây là dấu hiệu cho thấy trình độ của bạn đã được nâng cao. Tuy nhiên, đừng vội lơ là, việc không ngừng tiếp tục luyện nghe sẽ giúp duy trì khả năng phản xạ ngôn ngữ. Nếu không có hoạt động này, trên guồng quay tri thức, chắc chắn năng lực của người học sẽ bị đẩy xuống. Vì thế, tuy không thể cảm nhận rõ sự tiến bộ như giai đoạn trước, xong việc rèn luyện lúc này vẫn là bắt buộc.

3. Luyện nói nhiều

Ở trên, ta đã nói về phương pháp cấu âm tiếng Trung để có một nền tảng phát âm tốt, có kĩ năng luyện nghe tiếng Trung và bây giờ sẽ đến phần quan trọng nhất: luyện nói.

Trừ bước đầu cần vô cùng thận trọng và cẩn thận để có một nền tảng đúng đắn ra, các giai đoạn về sau, bạn đều có thể tự do nói, nói thoải mái, nói thật nhiều. Chỉ cần có cơ hội, hãy nói. Nếu không có cơ hội như tham gia một lớp học hoặc có những người bạn cùng học, hãy tự tạo ra cơ hội cho mình. Bạn có thể tự đọc và ghi âm những bài khóa có sẵn trong giáo trình và nhờ thầy cô sửa nếu cần thiết, bạn cũng có thể sử dụng một số ứng dụng lồng tiếng tiếng Trung (ví dụ như app 配音秀) để luyện ngữ khí ngữ điệu của mình. Hoặc, trong trường hợp người học năng động và thích chia sẻ, họ còn có thể tự xây dựng những podcast hoặc kênh Youtube để chia sẻ những vấn đề, quan điểm của mình đến những thính giả có cùng đam mê tiếng Trung.

Đây là một trong những phương pháp rất tốt, không chỉ giúp người học tự tạo niềm vui, mà họ còn có được động lực học tiếng Trung mạnh mẽ và bền bỉ. Ở một tương lai xa hơn, rất có thể họ còn có thể kiếm thêm thu nhập từ chính niềm đam mê của mình. Nghe thật hấp dẫn phải không nào?

Trên đây là những chia sẻ của chúng mình về phương pháp phát âm chuẩn như người bản địa. Đây là cả một quá trình rèn luyện lâu dài và yêu cầu người học có sự đầu tư nhất định về thời gian cũng như công sức. Nhưng Tiếng Trung Khánh Linh luôn tin rằng, chỉ cần bạn nỗ lực, thành công sẽ mỉm cười với bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0989513255