Tại sao khi bị lừa lại gọi là 上当 /shàngdàng/ ?

Khi giao tiếp với người nói tiếng Trung, hoặc khi xem phim, đọc truyện, chúng ta thường nghe thấy cụm từ 上当 / shàngdàng /, ví dụ trong câu  “你真的上当了。” / nǐ zhēn de shàngdàng le / – Bạn thật sự đã bị mắc lừa rồi.  上当 nghĩa là “bị lừa; mắc lừa”, nhưng, tại sao khi “bị lừa” lại gọi là 上当 ? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!

Giải nghĩa từ 上当

上当 / shàngdàng / nghĩa là “bị lừa; mắc lừa”. Đây là động từ, hay chính xác hơn là động từ ly hợp (离合动词), do đó mà ta có thể chèn thêm rất nhiều thành phần khác vào giữa chữ 上 và chữ 当. Ví dụ: 了他的 / shàngle tā de dàng / (bị nó lừa); 了别人的 / shàngle biérén de dàng / (bị người ta lừa).

上当 là một cách nói hết sức dân dã trong đời sống của người Trung Quốc, là một quán dụng ngữ (惯用语), đồng nghĩa với 受骗 / shòupiàn /. Ví dụ: 这不是真正的古董,你受骗了。/ zhè bùshì zhēnzhèng de gǔdǒng, nǐ shòupiànle / = 这不是真正的古董,你上当了。/ zhè bùshì zhēnzhèng de gǔdǒng, nǐ shàngdàngle / (Cái này đâu phải là đồ cổ đâu, mày bị lừa rồi.)

Trong nhiều trường hợp, ta có thể sử dụng đồng thời 上当 lẫn 受骗. Ví dụ: 他上当受骗把信用卡交给了他们。/ tā shàngdàng shòupiàn bǎ xìnyòngkǎ jiāo gěile tāmen / (Anh ta bị lừa, bị dụ đưa thẻ visa cho bọn chúng rồi.)

Câu hỏi đặt ra ở đây là, vì lý do gì mà từ 上当 lại có nghĩa là “bị lừa; mắc lừa” ?

Nguồn gốc từ 上当

Từ 上当 xuất hiện lần đầu tiên trong quyển “Thanh Bại Loại Sao”《清稗类钞》của Từ Kha (徐珂), một học giả nổi tiếng ở triều đại nhà Thanh. Đây là một bộ sách chuyên tổng hợp các sự kiện có liên quan đến học thuật, văn hóa, kinh tế,… lúc bấy giờ. Một trong những sự kiện được ông ghi chép lại đó chính là từ 上当.

Ngày xưa, ở huyện Thanh Hà, tỉnh Giang Tô (江苏省清河县) có một gia đình quý tộc họ Vương nọ, sự giàu có của gia đình này đến từ việc mở một tiệm cầm đồ (当铺 dàngpù) ở huyện. Cả gia đình nhà họ Vương sống nhờ tiệm cầm đồ này suốt mấy đời liền, tiệm cầm đồ của họ làm ăn rất được, quy mô tiệm cứ mỗi năm lại một to thêm, nhà họ Vương đã giàu lại càng giàu.

Sự lớn mạnh của tiệm cầm đồ đã thu hút sự chú ý của nhiều gia đình quý tộc ở nhiều huyện, tỉnh thành khác, họ quyết định hợp tác cùng gia đình nhà họ Vương bằng cách hùn hạp vốn làm ăn, từ đó họ trở thành “cổ đông” của tiệm cầm đồ.

Tiệm cầm đồ phất lên rất nhanh, tăng trưởng thần tốc còn hơn cả “công nghệ lõi” chuyên phân lô bán nền ở Việt Nam ta hiện nay. Gia đình nhà họ Vương dần mất kiểm soát do không thể quản lý nổi quy mô quá lớn của tiệm cầm đồ. Tới thời vua Quang Tự (光绪 Guāngxù), gia đình nhà họ Vương quyết định thuê một người cực kỳ tài giỏi để quản lý tiệm cầm đồ, tương tự như việc thuê tổng giám đốc ngày nay.

Vị “tổng giám đốc” này có tên là Vương Tích Kỳ (王锡祺 Wángxīqí), đây là một nhân vật có thật trong lịch sử, ông là một học giả, chuyên nghiên cứu lịch sử và địa lý Trung Quốc, đồng thời cũng là nhà sưu tầm sách cổ rất có tiếng thời nhà Thanh.

Gia đình quý tộc nhà họ Vương đã bất lực trong việc quản lý tiệm cầm đồ đã đành, nay còn bất lực trong việc tìm nhân tài về làm “CEO”, khi mà lại chọn vị học giả chuyên về khoa học xã hội để vận hành nền kinh tế của gia đình.

Lúc này, khi hay tin Vương Tích Kỳ lên làm “CEO” của chuỗi tiệm cầm đồ danh tiếng tỉnh Giang Tô lúc bấy giờ, các “cổ đông” đã nghĩ ra một chiêu trò nhằm bòn rút gia tài của gia đình nhà họ Vương. Họ đem những phế phẩm, những đồ dùng không có giá trị để đi cầm đồ (典当 diǎndàng) ở ngay tiệm cầm đồ nhà họ Vương. 

Các nhân viên ở tiệm cầm đồ thấy “cổ đông” phải đích thân mang đồ đến để cầm cố, hơn nữa họ lại là những người cực kỳ giàu có, nên ỷ y những món đồ mang đi thế chấp kia ắt hẳn phải có giá trị lắm, nhân viên không dám thách giá, bèn bảo “cổ đông” cứ định giá, họ sẽ cầm ngay và luôn.

Chiêu trò này diễn ra được một lần, chắc chắn sẽ có lần hai. Quả thực vậy, rất nhiều “cổ đông” đã dùng chung một mánh để bòn rút hết tất cả tiền tài của gia đình nhà họ Vương, đến mức tiệm cầm đồ bị phá sản.

Chính vì sự kiện này mà người dân huyện Thanh Hà đã truyền tai nhau một bài vè “清河王,自上当” / qīnghé wáng, zì shàngdàng / với ngụ ý châm biếm, mỉa mai gia đình quý tộc nhà họ Vương đã tự cầm cố bản thân họ cho chính tiệm cầm đồ của họ (自己上当铺典当 zìjǐ shàng dàngpù diǎndàng). 

Từ đó về sau, dân gian bảo nhau rằng bản thân mình bị lừa, chịu thiệt thòi là 上当.

XEM THÊM: Các cách nói cố lên bằng tiếng Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *